Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 7/5 chủ trì lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Baku, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân đến nước này ngày 7-8/5, theo Bộ Ngoại giao.
Trong cuộc hội đàm diễn ra sau lễ đón, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Ilham Aliyev nhất trí thông qua Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Azerbaijan lên Đối tác Chiến lược.
Hai lãnh đạo nhấn mạnh thông qua Tuyên bố chung là cột mốc có ý nghĩa lịch sử và sẽ tạo cơ sở để củng cố, tăng cường mạnh mẽ quan hệ song phương trong thời gian tới.
Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Azerbaijan sẽ giúp hai nước tận dụng những thế mạnh của nhau, đưa Việt Nam và Azerbaijan phát triển trong kỷ nguyên mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và phu nhân đón Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân tại Cung Zugulba ở thủ đô Baku. Ảnh: TTXVN
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam - Azerbaijan đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quan hệ chính trị - ngoại giao được duy trì và củng cố, hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng được thúc đẩy, hợp tác về quốc phòng - an ninh, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy.
Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Azerbaijan, được đặt nền móng từ chuyến thăm Azerbaijan năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp nối bởi nhiều chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Việt Nam xem Azerbaijan là đối tác quan trọng ở khu vực, mong muốn quan hệ hai nước sẽ không ngừng phát triển trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Tô Lâm tại họp báo ngày 7/5 ở Phủ Tổng thống Azerbaijan. Ảnh: VOV
Kim ngạch thương mại năm 2024 của Việt Nam và Azerbaijan đạt gần 52 triệu USD. Hai nước có truyền thống và kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành dầu khí. Hai bên đang xem xét mở các chuyến bay giữa các thành phố du lịch nổi tiếng của nhau và đường bay vận tải trực tiếp. Hợp tác địa phương giữa Hà Giang và vùng Kalbajar đang được thúc đẩy.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề xuất các giải pháp nhằm tạo đột phá, thúc đẩy hợp tác phát triển thực chất, hiệu quả, toàn diện. Hai bên cần nâng cao hơn nữa vai trò điều phối của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghiệp chế biến, cơ khí và hóa chất.
Việt Nam và Azerbaijan thúc đẩy hợp tác năng lượng - dầu khí. Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cũng như nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev trả lời họp báo ngày 7/5 tại Baku. Ảnh: VOV
Doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư vào thị trường của nhau. Việt Nam và Azerbaijan xúc tiến đầu tư về nông nghiệp và sớm ký các thỏa thuận về khuyến khích, bảo hộ đầu tư, phát huy thế mạnh trong lĩnh vực vận tải đường biển, đường sắt giữa hai nước. Ngoài ra, hai nước cần tăng cường hợp tác địa phương.
Tổng thống Aliyev khẳng định sẽ chỉ đạo cụ thể để thúc đẩy quan hệ về mọi mặt, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư. Azerbaijan có ưu thế về vị trí địa lý và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực logistics, cảng biển, đường sắt, hàng không, năng lượng tái tạo.
Tổng thống Aliyev mong muốn thu hút doanh nghiệp Việt Nam và cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại Azerbaijan.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp tại các diễn đàn đa phương. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để Azerbaijan tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á và Azerbaijan sẽ là cầu nối để Việt Nam tăng cường hợp tác với khu vực Trung Á.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết bất đồng và khác biệt bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, ủng hộ lập trường của ASEAN trong vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Thanh Danh