U50 thất nghiệp bị 'đẩy' ra lề đường vì mãi không xin được việc

28/12/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Ý Kiến
U50 thất nghiệp bị 'đẩy' ra lề đường vì mãi không xin được việc

Trên đoạn đường tôi đi làm mỗi ngày, hồi trước dịch Covid-19, chỉ có vài điểm bán hàng ăn sáng. Còn bây giờ, bên cạnh những em sinh viên đứng bán cà phê mang đi, tôi thấy có nhiều cô, chú trung tuổi đứng bán xôi, bắp luộc, bánh cuốn Bình Định, mì bún xào...

Lúc trước tôi đau đầu không biết ăn gì mỗi sáng, bây giờ thì có nhiều lựa chọn hơn. Ngày nào cũng ghé mua, mỗi ngày một món khiến tôi trở thành khách hàng thân thiết của những cô chú này. Sau khi làm thân, hỏi thăm qua loa, tôi thấy không vui nổi khi họ mới trung niên, có người chưa đến 50 tuổi đã không còn cơ hội tham gia thị trường lao động chính thống.

Có người là công nhân công ty may, ngày trước mỗi ngày ăn sáng ở nhà cho tiết kiệm nhưng bây giờ lại đứng bán đồ ăn sáng, ngay trước cổng công ty cũ. Có người xin được việc nhưng lương tệ hơn chỗ cũ vì không còn thâm niên, đành nghỉ việc "ra ngoài buôn bán quơ quào" để kiếm tiền nuôi con.

Không khá hơn lao động phổ thông là bao, người có bằng cấp nhưng rào cản tuổi tác cũng khiến họ khó xin việc. Tôi đi xe ôm công nghệ, một chú bảo không ngờ có ngày trở nên thế này.

Tôi từng đọc báo cáo Thống kê năm 2023, cả nước có hơn một triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Trong đó, nhóm lao động trung niên bị sa thải có chiều hướng tăng mạnh, gấp 1,6 lần năm 2021.

Riêng TP HCM, số người trên 40 tuổi mất việc chiếm gần 30%. Các chuyên gia đánh giá 2024 là năm khó khăn với những lao động trung niên và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhanh hơn.

Ngày xưa, nếu đọc báo cáo này, tôi nghĩ họ sẽ nhanh chóng tìm được việc mới nhờ vào kinh nghiệm. Nhưng thực tế cho thấy, một khi rơi vào thế thất nghiệp, họ sẽ rất trầy trật mới có việc trở lại. Còn lại, sẽ bị đẩy ra đường mưu sinh.

Ở các trường đại học hiện nay thỉnh thoảng công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Điều buồn cười là một số người cho rằng sở dĩ tỉ lệ này cao ngất vì hễ sinh viên có việc làm là được tính vào, không ghi rõ làm đúng ngành hay trái ngành, thậm chí đi phục vụ bàn hay chạy xe ôm công nghệ vẫn được tính vào báo cáo.

Nhưng hơn hết, tôi thấy hầu như chưa có chuyên gia nào cảnh báo giới trẻ về câu chuyện nguy cơ thất nghiệp mấy chục năm sau, trong một độ tuổi kẹp giữa cha mẹ già và con cái trong độ tuổi đi học.

Bây giờ, họ bị đẩy ra lề đường. Còn sau này, khi tôi và đồng trang lứa sẽ đi về đâu nếu chẳng may mất việc?

Khánh Toàn

Tin liên quan
Tin Nổi bật