Điểm mờ trong hành trình nhập cư vào Mỹ của Elon Musk

16/12/2024
|
0 lượt xem
Phân Tích Thế Giới
Điểm mờ trong hành trình nhập cư vào Mỹ của Elon Musk

Elon Musk, người giàu nhất thế giới với tổng tài sản được Fortune ước tính lên tới hơn 270 tỷ USD, rất hiếm khi chia sẻ chi tiết về hành trình từ một đứa trẻ sinh ra ở Nam Phi tới tỷ phú công nghệ mang quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên, ông cuối tuần qua tiết lộ một số điều về chặng đường đó trong loạt bài đăng trên mạng xã hội X.

Chia sẻ được Musk đưa ra vài giờ sau khi Washington Post đưa tin rằng ông đã lao động trái phép khi bắt đầu sự nghiệp ở Mỹ, thời điểm ông gây dựng công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon vào những năm 1990.

Trong buổi vận động cử tri tại Pittsburgh, bang Pennsylvania ngày 26/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden dẫn thông tin từ bài báo này và mỉa mai Musk từng là "lao động chui" khi mới đến Mỹ, để rồi khi trở thành tỷ phú, ông lại có quan điểm chống nhập cư.

"Thực tế tôi được phép làm việc ở Mỹ", ông Musk viết trong bài đăng trên X, cáo buộc Tổng thống Biden nói dối. Những người ủng hộ Musk cũng nhanh chóng lên tiếng bảo vệ tỷ phú và chỉ trích ông Biden.

Tuy nhiên, thông tin của Washington Post cùng những bình luận của ông Biden đã lan truyền rộng rãi trong nhóm chỉ trích tỷ phú Mỹ. Một số người cáo buộc Musk tiêu chuẩn kép vì đã nhiều lần chỉ trích người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Ông Musk đáp trả rằng bản thân từng sở hữu hai loại thị thực của Mỹ, trong đó có một loại được phép làm việc ở nước này. "Tôi có thị thực J-1 và sau đó chuyển sang H-1B. Họ thừa biết điều này vì họ có hồ sơ của tôi. Thất bại bầu cử đang khiến họ tuyệt vọng", ông viết trên X.

Tỷ phú Elon Musk tại sự kiện vận động tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump ở New York ngày 27/10. Ảnh: AP

Thị thực J-1 dành cho những người đến Mỹ theo chương trình trao đổi và sinh viên nước ngoài có thể sử dụng visa loại này để theo học hoặc nghiên cứu tại các trường học ở Mỹ. Tuy nhiên, loại thị thực này đòi hỏi người xin phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ tiếng Anh và được tài trợ bởi một trường đại học, tổ chức tư nhân hoặc theo chương trình chính phủ, với thời hạn lưu trú là hai năm.

H-1B là thị thực cho phép người nước ngoài làm việc tạm thời ở Mỹ trong các ngành nghề đặc biệt đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, bằng cấp hoặc kinh nghiệm làm việc tương đương. Thời hạn lưu trú tại Mỹ với người có visa này là ba năm và có thể gia hạn đến 6 năm.

Các chuyên gia về di trú nhanh chóng chỉ ra một số "điểm mờ" trong các thông tin mà ông Musk đưa ra liên quan đến visa vào Mỹ, trong đó đáng chú ý là Musk không nêu chi tiết tổ chức nào đã tài trợ cho thị thực J-1 hoặc ông có được nó vào năm nào, hay thời điểm nào nó được chuyển đổi thành H-1B.

Musk sinh ra ở Nam Phi, có quốc tịch Canada theo mẹ và đến Mỹ học Đại học Pennsylvania năm 1992. Tiểu sử của tỷ phú Mỹ chỉ ra ông trở thành công dân Mỹ một thập kỷ sau đó.

Ông từng nói rằng sau khi tốt nghiệp Đại học Pennsylvania, ông tiếp tục theo học ở Stanford, nhưng đã bỏ ngang để thành lập công ty đầu tiên trong sự nghiệp.

Chuyên gia cho rằng điều này rất đáng chú ý bởi Mỹ có những quy định nghiêm ngặt về loại công việc mà người sở hữu thị thực J-1 được phép làm. Giấy phép làm việc gắn với thị thực J-1 diện du học yêu cầu người sở hữu phải có thành tích học tập tốt hoặc được tổ chức tài trợ cho phép sinh viên thực tập, làm việc để đào tạo chuyên môn sau khi tốt nghiệp.

Luật sư di trú Greg Siskind cho hay việc chuyển đổi từ thị thực J-1 sang H-1B là hoàn toàn có khả năng. Tuy nhiên, ông thêm rằng người có thị thực J-1 bỏ ngang chương trình học sẽ không được cấp giấy phép làm việc. Do đó, ngay từ thời điểm ngừng học ở Stanford, visa J-1 của Musk sẽ mất hiệu lực và ông không được phép làm việc ở Mỹ.

"Musk sẽ cần tham gia chương trình học đầy đủ ở Stanford, với ít nhất 12 giờ mỗi kỳ để đủ điều kiện làm việc với visa J-1", Siskind viết trên X.

Một người phát ngôn của Đại học Stanford tháng trước cho biết trường không có hồ sơ về việc Elon Musk đăng ký học, song ông đã được nhận vào chương trình đào tạo sau đại học của khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu. Khi được hỏi liệu ông Musk có thị thực J-1 liên quan tới trường hay không, người phát ngôn này nói không biết vì không có tài liệu.

Với hồ sơ của Musk, luật sư Siskind cho rằng tỷ phú Mỹ dường như không đủ điều kiện để hưởng ngoại lệ, trong đó sinh viên đôi khi được cấp phép để làm việc vì điều kiện kinh tế khó khăn.

Luật sư di trú Charles Kuck ở Atlanta cho hay việc ông Musk tuyên bố có thị thực J-1 cho thấy rõ ràng ông đang làm việc trái phép, bởi yêu cầu của thị thực chỉ cho phép làm việc liên quan tới chương trình học.

"Ông ấy rõ ràng tự thừa nhận bản thân từng làm việc trái phép. Câu hỏi duy nhất là vào thời điểm đó ông đã làm gì để khắc phục sai phạm", Kuck nói.

Luật sư này cho biết làm việc trái phép không cấu thành hành vi phạm tội, nhưng người sở hữu thị thực sẽ được yêu cầu tiến hành một số bước để được duy trì tình trạng nhập cư hợp pháp.

Ngoài ra, Kuck cho rằng có một câu hỏi quan trọng nữa là ông Musk đã làm gì để chuyển visa sang H-1B và thời điểm chuyển đổi loại thị thực này.

Musk tốt nghiệp Đại học Pennsylvania vào tháng 5/1997, theo người phát ngôn của trường. Tiểu sử về giám đốc điều hành của SpaceX và Tesla chỉ ra ông hoàn thành chương trình học ở đó năm 1995.

Nhưng theo Washington Post, Musk đã khởi nghiệp bằng cách mở công ty công nghệ Zip2 và nhận được số vốn 3 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm vào năm 1996.

Thỏa thuận đầu tư nêu rõ ông Musk và các cộng sự có 45 ngày để xin thị thực làm việc hợp pháp, nếu không họ sẽ rút tiền. Musk đã nói với các đồng nghiệp rằng ông đang ở Mỹ theo thị thực sinh viên J-1.

"Thị thực sinh viên là một trong những loại phức tạp nhất ở Mỹ và công việc liên quan tới thị thực này cũng rất phức tạp. Điều đó không thể lý giải chỉ trong hai câu 'tôi có thị thực J-1 và sau đó chuyển sang H-1B' như vậy. Còn rất nhiều vấn đề đằng sau đó", Kuck nói.

Tỷ phú Elon Musk nhảy ở sự kiện tranh cử của ông Trump ở Butler, bang Pennsylvania ngày 5/10. Ảnh: Reuters

Câu chuyện gây tranh cãi xoay quanh hành trình nhập cư vào Mỹ của tỷ phú Elon Musk được lan truyền vào thời điểm ông đang tích cực vận động tranh cử cho cựu tổng thống Donald Trump và liên tục nói về nhập cư trái phép, vấn đề nóng trong cuộc bầu cử năm nay.

Từ khi mua lại Twitter, hiện là X, vào năm 2022, Musk đã nhiều lần định hướng các cuộc thảo luận về chủ đề này trên nền tảng mạng xã hội mà ông sở hữu. Với tài khoản hơn 200 triệu người theo dõi, ông thường xuyên đăng cái bài ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng chính quyền Tổng thống Biden cố tình cho phép người nhập cư trái phép vào Mỹ để thay đổi chiều hướng cử tri có lợi cho đảng Dân chủ. Ông cũng đăng bài nói bản thân là người nhập cư và ủng hộ nhập cư hợp pháp vào Mỹ.

Chia sẻ thêm về hành trình nhập cư vào Mỹ của mẹ ông là bà Maye Musk, tỷ phú Elon Musk mô tả quá trình trở thành công dân Mỹ rất khó khăn và tốn rất nhiều công sức, lưu ý rằng gia đình ông đã "mất hơn một thập kỷ".

Hunter Swanson, phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Đại học Washington and Lee ở Virginia, nhận định có thể vào thời điểm đó, quy định về thị thực và làm việc ở Mỹ không nghiêm ngặt như hiện tại.

Ông thêm rằng các hạn chế về thị thực sinh viên và hệ thống giám sát tuân thủ quy định được tăng cường đáng kể sau vụ khủng bố 1/9/2001. Một số tên không tặc liên quan tới vụ khủng bố đã ở Mỹ bằng thị thực sinh viên, theo báo cáo của Ủy ban 11/9.

Swanson cho rằng nếu Musk đến Mỹ vào thời điểm hiện nay, ông sẽ không thể theo chương trình đào tạo với thị thực J-1 nếu khi bỏ học ngay trong kỳ đầu tiên và cũng khó có cơ hội để mở công ty khởi nghiệp.

Thùy Lâm (Theo CNN, Washington Post, Fortune)

Tin liên quan
Tin Nổi bật